Một mâm cỗ cúng chúng sinh (Ảnh: Gia đình Việt Nam). |
Rằm tháng 7 xưa và nay đã có khá nhiều khác biệt, từ cách thức sắm mâm lễ cúng, thời gian và địa điểm cúng. Hãy cùng chuyên gia phong thủy Phan Vũ Mạnh Đức tìm hiểu và giải đáp những thắc mắc trên để chọn lựa được cách cúng rằm tháng 7 phù hợp cho những gia đình hiện đại.
- Thưa chuyên gia, rằm tháng 7 các gia đình thường làm lễ cúng gia tiên đặt trên bàn thờ tổ tiên trong nhà vào ban ngày, cúng chúng sinh thực hiện ở ngoài trời vào buổi tối. Người trẻ hiện đại bận rộn, có thể gộp 2 lễ này làm một được không?
Trước hết, để hiểu rõ về câu hỏi này, chúng ta đi từ từng khái niệm cụ thể như sau: Cúng rằm tháng 7 chuẩn là cúng cho gia tiên và bản thân, người dân xưa nay không có trách nhiệm phải cúng chúng sinh.
Tập quán cúng chúng sinh thật ra mới phổ biến gần đây do nhiều người không hiểu rõ việc đó. Trước đây, người ta dùng từ "khao chúng sinh", chứ không phải là cúng. Lý do vì sao dùng từ "khao"? Theo quan niệm dân gian thì tháng cô hồn khi mở cửa Địa ngục, sẽ có nhiều vong linh tổ tiên nhiều đời trước đó (chúng ta là phận làm con cháu, có khi không biết và nắm rõ được), những vong linh này khi được thả ra ở trần gian, ai có gia đình họ mạc sẽ về nhà, ai không có sẽ đi đến chùa.
Cửa Địa ngục mở ra, vong linh sẽ tỏa ra tứ tán khắp nơi để tìm đường về nhà, trên đường, họ sẽ đi qua các thôn xóm làng mạc, phố xá, gặp những mâm cỗ bày sẵn để "khao chúng sinh" ngoài cửa, ngoài sân gồm có đồ ăn, thức uống vàng mã… Những đồ này được bày sẵn với lòng thành, bản thân gia chủ cũng không thể nắm rõ được họ tên, nguồn gốc… của chúng sinh để cúng.
"Khao chúng sinh" xưa chính là làm trên quan niệm bày lễ để chia sẻ với các vong, mừng họ thoát khỏi địa ngục. Như vậy, rằm tháng 7 và dịp lễ Vu Lan, cúng gia tiên và cúng chúng sinh, với những ai đã có nơi ăn chốn ở (định cư cố định - PV) và những ai chưa có nơi ở cố định (người đi thuê trọ - PV) điều quan trọng cốt là ở chỗ phát tâm với tiên tổ và với chúng sinh, cúng ở bất cứ đâu cũng đều được.
Rằm tháng 7 và dịp lễ Vu Lan, cúng gia tiên và cúng chúng sinh điều quan trọng cốt là ở chỗ phát tâm với tiên tổ và với chúng sinh, cúng ở bất cứ đâu cũng đều được (Ảnh: VNE) |
Thật ra cúng rằm tháng 7 không có quy định phải cúng vào thời gian cụ thể nào cả, muốn gộp thì có thể gộp thời gian cúng, nhưng lễ vật cúng tổ tiên và khao chúng sinh buộc phải tách ra làm hai mâm, không thể góp chung vào làm một. Trong đó, mâm cúng tổ tiên bày trong nhà trên bàn thờ, để con cháu bày tỏ lòng thành với Thổ Địa, Thổ Công và tổ tiên trong nhà; mâm cúng khao chúng sinh cần được để ra ngoài, tách hẳn ra với mâm cúng dành cho gia tộc nhà mình.
Trong Thần pháp có quy định, Thổ Công Thổ Địa giữ cửa nên các vong không cùng trong dòng họ, khác huyết thống sẽ không vào nhà được, khi làm mâm khao chúng sinh dịp rằm tháng 7, ta mới cần phải bày ra ngoài cửa hoặc bày ngoài sân trước cửa nhà là vì vậy.
- Mâm cỗ cúng gia tiên và cúng chúng sinh rằm tháng 7 theo chuyên gia nên chuẩn bị gồm những gì? Cúng thời hiện đại có gì đặc biệt gì hay khác biệt so với cách cúng ngày xưa và nên cúng vào thời điểm là thể hiện lòng thành tốt nhất?
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 trong truyền thống xưa thật ra không khác gì so với cúng dịp hết Tết Nguyên đán, trong gia đình có gì dùng nấy, cúng thành tâm với những đồ dùng sẵn có, không quy định chặt chẽ và không quá cầu kỳ hay bắt buộc.
Cúng gia tiên nên hiểu bản chất là thể hiện tấm lòng, tình thương với những người đã khuất trong gia đình, vong linh tổ tiên và người thân sẽ thọ hưởng tấm lòng chứ không phải trực tiếp hưởng những món lễ vật chúng ta bày trên mâm.
Để chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, trước nay ông cha ta thường chỉ cần có hai món chính là cơm, canh, nhà nào có điều kiện có thể làm thêm cỗ chay, không có cũng không sao. Các gia đình có thể tùy tâm bày thêm các món ăn, đồ cúng khác, bởi suy cho cùng đó cũng chỉ là những vật phẩm, phương tiện truyền tải tình cảm của con cháu với tổ tiên.
Cúng gia tiên nên hiểu bản chất là thể hiện tấm lòng, tình thương với những người đã khuất trong gia đình, vong linh tổ tiên và người thân sẽ thọ hưởng tấm lòng (Ảnh: Phunutoday) |
Với mâm cỗ khao chúng sinh, chúng ta cần hiểu rằng, chúng sinh được thả ra chưa đắc đạo. Đức Phật có chỉ dạy rằng, thời điểm này, chúng sinh sống vất vưởng ngoài đường là do họ chưa có chỗ về, không có nhà, Đức Phật khuyên họ đến đạo tràng, tới những nơi pháp hội đạo Phật tổ chức nhân dịp lễ Vu Lan rằm tháng 7 để được siêu độ, có chỗ ăn chỗ ở, được nghe kinh, giảng pháp.
Chúng sinh khi ấy đến chùa tốt nhất nên ăn chay, bởi vậy mâm cỗ khao chúng sinh các gia đình bày ngoài cửa (cũng là trên đường chúng sinh đi ngang qua - PV) nên dùng món chay, cách làm đó chính là tốt nhất cho chúng sinh, chứ không có quy định rằm tháng 7 bắt buộc gia chủ phải cúng chúng sinh món chay hay cúng món mặn. Nên nhớ rằng, khi người cúng phát tâm khởi lòng thành ,có ý cảm thương là chúng sinh đã thọ nhận tấm lòng đó, chứ không phải chờ tới khi họ đi ngang qua cửa nhà, chạm vào đồ lễ thì cỗ cúng khao họ mới có ý nghĩa.
Người hiện đại bận rộn, muốn cúng rằm tháng 7 chúng ta có thể làm như sau: Tan làm, về nhà tổ chức làm mâm cúng gia tiên với những vật phẩm theo ý muốn, sau khi khấn và thắp hương, báo cáo tổ tiên, ta có thể làm thêm một mâm cúng nhỏ tùy tâm để khao chúng sinh, bày ở bên ngoài nhà.
Khi cúng khao chúng sinh, ta khấn đơn giản như sau: "Kính thưa Thổ Thần, Thổ Địa, Thổ Công, Ông Táo của gia đình nhà họ… sống tại địa chỉ số… Gia đình phát tâm khao chúng sinh nhân dịp lễ Vu Lan, mong Thổ Thần, Thổ Địa, Thổ Công các ngài cho chúng sinh được thụ hưởng". Thời gian cúng không quá khắt khe cố định, nhưng nhất thiết phải cúng gia tiên trước và buộc phải tách bạch hai mâm cỗ cúng, cúng gia tiên và khao chúng sinh riêng.
- Các gia đình trẻ hiện sống tại chung cư chật hẹp, rằm tháng 7 mâm cỗ cúng gia tiên và cúng chúng sinh nên đặt ở đâu thưa chuyên gia?
Với các gia đình sống ở chung cư, mâm cỗ cúng gia tiên bắt buộc phải bày trong nhà, trên bàn thờ. Riêng mâm cỗ khao chúng sinh có thể bày ở cửa sổ, cửa nhà, cửa chung cư, trên sân thượng… như ở trên có nói, tuyệt đối không được bày cùng chỗ với mâm cúng gia tiên. Ta có thể kê đặt đơn giản, bày mâm cỗ cúng tùy tâm và dùng đồ phù hợp, trang nhã đủ để thể hiện lòng thành kính.
Mâm cúng khao chúng sinh uyệt đối không được bày cùng chỗ với mâm cúng gia tiên... (Ảnh:Lao động) |
... có thể bày ở cửa sổ, cửa nhà, cửa chung cư, trên sân thượng, khi cúng kê đặt đơn giản, bày mâm cỗ tùy tâm và dùng đồ phù hợp, trang nhã đủ để thể hiện lòng thành kính (Ảnh:Giáo dục và thời đại) |
Mỗi người một quan niệm, nếu chúng ta e ngại rằng vong hồn chúng sinh khó lòng "leo" cao đến từng nhà thì hoàn toàn có thể mang mâm cúng này xuống mặt đất. Khi ấy, dù có nhiều người cùng bày mâm cúng một lúc nhưng chúng sinh cũng sẽ không bị lẫn, vẫn thọ nhận được lòng thành của từng người cúng, lễ vật khi ấy là thứ để tiếp dẫn tâm thiện, lòng thành của các gia chủ.
- Cảm ơn chuyên gia về những chia sẻ này.
Không nhầm lẫn cúng cô hồn với khao chúng sinhChuyên gia Phan Vũ Mạnh Đức cho biết, cúng cô hồn thuộc pháp môn của nhà Phật, người dân thường không cúng được. Muốn cúng chúng sinh, bố thí cho các vong linh khỏi thoát cảnh khổ sở vất vả, nhiều nhà xưa không có pháp môn nên hay ra chùa công đức. Hơn nữa cúng cô hồn không làm được ở nhà bởi lẽ phần lớn các cô hồn ở đây chính là nói tới quỷ Diệm khẩu (quỷ há miệng ra thì lửa đỏ bốc ra khỏi mồm). Ta cúng cho những cô hồn này thì chúng cũng không thể ăn được, trái lại sẽ sinh lòng tức giận. Chúng ta có thể cúng gia tiên và bày mâm cỗ khao chúng sinh tại gia tùy tâm như đã nói. Trong đó, mâm cỗ khao chúng sinh buộc phải để ở bên ngoài, mâm cỗ cúng gia tiên bày trên bàn thờ trong nhà. Lễ vật nhiều ít không quá câu nệ, hay bị ảnh hưởng, lễ vật chính là thứ tiếp dẫn tâm thiện và lòng thành, thông qua mâm lễ vật đó, ta có thể gửi gắm trọn vẹn tình cảm và sự sẻ chia tới gia đình tổ tiên và chúng sinh. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét